Tin tức y tế

Thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

08/11/2023

Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc phải tình trạng thoát vị đĩa đệm ở người trưởng thành là 30%, trong đó chủ yếu ở độ tuổi từ 30-60. Việc điều trị bệnh kịp thời giúp xương khớp chắc khỏe, nâng cao khả năng vận động và ổn định cuộc sống. Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về bệnh lý này và đưa ra cách điều trị tương ứng.

>>> Xem thêm: 

Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra do đĩa đệm bị thoái hóa hoặc vùng cột sống bị tổn thương. Lúc này, chất nhầy của đĩa đệm lệch khỏi vị trí vốn có, xuyên qua một số dây chằng và gây chèn ép lên rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.

Bệnh sẽ có dấu hiệu đau nhức từ thắt lưng xuống chân hoặc đau vùng cổ vai gáy. Đây là bệnh phổ biến thường gặp ở những người làm văn phòng thường xuyên ngồi liên tục hàng giờ đồng hồ hoặc người phải vận động chân tay nặng nhọc.

Dấu hiệu đau cột sống gây cảm giác khó chịu
Dấu hiệu đau cột sống gây cảm giác khó chịu (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra bệnh

Một số nguyên nhân dễ tổn thương cột sống và gây ra thoát vị đĩa đệm có thể kể đến như:

  • Vận động quá sức, mang vác đồ nặng thường xuyên làm cột sống bị tổn thương.
  • Ngồi, nằm sai tư thế, làm lệch cột sống.
  • Do gặp chấn thương nặng ở vùng lưng.
  • Do tuổi già nên cơ thể bị thiếu nước, thoái hóa xơ cứng, vùng cột sống dễ bị tổn thương.
  • Cân nặng cơ thể quá lớn gây áp lực lên cột sống.
Ngồi văn phòng liên tục gây áp lực cột sống
Ngồi văn phòng liên tục gây áp lực cột sống (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của bệnh

  • Đau nhức tay chân: Những cơn đau ở vùng cổ hay vai gáy đột ngột xuất hiện, sau đó lan dần ra tay và chân. Cơn đau có thể âm ỉ vài ngày, sau đó sẽ đau dữ dội và gây khó khăn trong việc di chuyển, vận động.
  • Tê bì tay chân: Chất nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài gây nhức và tê bì vùng thắt lưng, cổ và sau đó chuyển xuống vùng đốt ngón tay, ngón chân. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm giác khó chịu trong người như có kiến chạy trong máu.
  • Bại liệt: Đây là giai đoạn bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, khó khăn trong việc di chuyển. Thường bị teo các vùng cơ chân, cơ tay và phải đi lại bằng sự trợ giúp của người khác.
  • Triệu chứng khác: Một số bệnh nhân dù bị thoát vị đĩa đệm nhưng không có dấu hiệu rõ rệt, có thể kể đến triệu chứng như: són tiểu, hay yếu cơ, có cảm giác tê tay chân hoặc cảm giác tê vùng gót chân, vùng mông.

Nếu có bất cứ triệu chứng nào kể trên, cần liên hệ để thăm khám bác sĩ ngay để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp không được điều trị đúng cách, có thể gây biến chứng như liệt nửa người, teo tay chân, không kiểm soát được tiểu tiện, đại tiện,…

>>> Xem thêm: Viêm quanh khớp vai là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Tê bì và đau nhức tay chân
Tê bì và đau nhức tay chân (Nguồn: Internet)

Đối tượng dễ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm

Những đối tượng dễ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thường là người lớn tuổi do dấu hiệu lão hóa hoặc những người lao động chân tay, thường xuyên vận động nặng và nhân viên văn phòng ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày.

Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm

Bác sĩ sẽ kiểm tra đoạn căng cứng của cơ và xương, có thể yêu cầu di chuyển theo nhiều tư thế khác nhau để xác định nguyên nhân gây đau.

Nếu nghi ngờ bệnh ở giai đoạn nặng hơn hoặc muốn xác định rõ nguyên nhân bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Chụp X-quang, CT hoặc MRI: Chẩn đoán thông qua hình ảnh tình trạng đĩa đệm của bệnh nhân.
  • Đo pháp điện: Test thần kinh bằng pháp đồ điện để xác định mức độ lan truyền của các xung thần kinh.
Chụp X quang phát hiện bệnh
Chụp X-quang để phát hiện rõ các đốt xương bị tổn thương (Nguồn: Internet)

Cách điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm

Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ giúp bệnh nhân giảm tình trạng đau nhức và thuận tiện hơn trong việc đi lại, sinh hoạt đời sống thường ngày.

Điều trị không sử dụng thuốc

  • Phương pháp kéo xương: Bệnh nhân sẽ được kéo xương, căng cơ hoặc kéo giãn cột sống để máu lưu thông, các vùng xương không bị đâm chọt vào dây thần kinh gây tê bì. Phương pháp này không áp dụng với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ vì sẽ có nguy cơ đột quỵ cao.
  • Châm cứu/massage: Đây là cách được thực hiện từ thời xưa và áp dụng cho đến ngày nay, giúp máu lưu thông và giảm thiểu rõ rệt các cơn đau lưng.
  • Yoga và thiền: Rèn luyện hơi thở và nhịp tim bình thường, ổn định giúp giảm chứng đau lưng và cải thiện chức năng vận động của cột sống.
Tập yoga cải thiện tình trạng bệnh
Tập yoga giúp cải thiện khả năng vận động (Nguồn: Internet)

Điều trị nội khoa với thuốc

Bệnh nhân cần được bác sĩ kê đơn liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh, một số thuốc thường được kê như: thuốc ngăn động kinh, thuốc làm giãn cơ, thuốc giảm đau,…

Để phác đồ điều trị hiệu quả, cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không chủ động sử dụng thuốc nằm ngoài chỉ định và hạn chế vận động mạnh gây ảnh hưởng phác đồ trong quá trình sử dụng thuốc.

Uống thuốc điều trị bệnh
Uống thuốc điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bệnh nặng và có dấu hiệu bí đại tiểu tiện, không có cảm giác vùng lưng và mông, bác sĩ sẽ tiến hành cho phẫu thuật để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.

Sau bệnh 6 tuần, nếu phác đồ điều trị không hiệu quả, một số trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật:

  • Khó khăn trong việc đi lại, không thể giữ thăng bằng cơ thể.
  • Tê yếu tay chân, teo cơ.
  • Không kiểm soát được hoạt động của bàng quang, đại và đi tiểu nhiều lần.
Tê yếu tay chân có thể chỉ định phẫu thuật
Tê yếu tay chân có thể chỉ định phẫu thuật (Nguồn: Internet)

Tiêm ngoài màng cứng với corticosteroids

Corticosteroids là thuốc kháng viêm liều cao, thuốc sẽ được tiêm trực tiếp vào các dây thần kinh cột sống giúp giảm tình trạng đau tại chỗ, áp dụng cho những bệnh nhân ở tình trạng trung bình hoặc nặng.

Liệu trình tiêm phù thuộc vào thể trạng cơ thể, thường sẽ cần 3 mũi mỗi liệu trình và cách nhau 3-7 ngày sau mỗi mũi tiêm.

Tiêm mầng cứng
Tiêm ngoài màng cứng để giảm đau (Nguồn: Internet)

Phương pháp phòng ngừa bệnh

Với tình trạng bệnh thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện một số điều sau để ngăn ngừa bệnh xảy ra: 

  • Tập luyện và tham gia các môn thể thao như đạp xe, chạy bộ, bơi lội để tăng sự dẻo dai và ổn định cột sống.
  • Ngồi hoặc nằm đúng tư thế, nên chuyển tư thế và thỉnh thoảng vận động để máu lưu thông.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, áp dụng thực đơn giảm cân khoa học, không để tăng cân quá nhiều so với chiều cao để hạn chế áp lực lên cột sống.
Lợi ích của bơi lội
Bơi lội giúp các cơ vận động khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đề cập đến bệnh lý phổ biến thoát vị đĩa đệm cùng các triệu chứng đi kèm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này gây ra và có cho mình chế độ sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa bệnh. Để đặt lịch khám với các bác sĩ thuộc hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, truy cập TẠI ĐÂY  hoặc gọi điện qua số HOTLINE để được tư vấn nhanh nhất. Ngoài ra, để cập nhật những thông tin thường thức khác về sức khỏe, bạn có thể truy cập Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.