Tin tức y tế

Tổng quan về bệnh nấm phổi

02/08/2023

Nấm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi do một hoặc nhiều loại nấm gây nên. Bệnh thường gặp ở những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm như ở người lớn tuổi hay người mắc bệnh mạn tính kéo dài. 

Ảnh chụp CT mô phỏng bệnh nấm phổi (Nguồn: Internet)

Triệu chứng bệnh lý

Nấm phổi không có dấu hiệu bệnh lý điển hình và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phổi khác như viêm phổi, lao phổi,… 

Các triệu chứng bệnh lý tùy thuộc vào loại nấm mà người bệnh nhiễm phải với một số dấu hiệu thường gặp là:

  • Sốt cao kéo dài. 
  • Ho khan, có thể ho ra máu. 
  • Cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân. 
  • Đau ngực, khó thở. 

Nguyên nhân gây bệnh

Nấm phổi là những sinh vật sống ký sinh lên vật chủ hoặc sống bằng hình thức hoại sinh. Khi có điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ xâm hại vào cơ thể người. Đó là khi:

  • Người bị suy giảm miễn dịch khiến cơ thể không đủ sức chống lại sự tàn phá của nấm (người nhiễm HIV/AIDS, người phẫu thuật ghép tạng,…).
  • Người sử dụng Corticoid trong thời gian dài, lạm dụng thuốc kháng sinh chống viêm, giảm đau,…
  • Người có các bệnh lý nền có ảnh hưởng, tổn thương phổi như lao phổi. 
  • Người mắc các bệnh về máu, bạch cầu cấp tính,…

Chẩn đoán 

Nếu chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng thì rất khó để kết luận người bệnh có bị nấm phổi hay không do rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về phổi thông thường khác. Thế nên để chẩn đoán xác định bệnh nấm phổi, cần kết hợp với các chỉ định cận lâm sàng khác như:

  • Chụp Xquang phổi. 
  • Chụp Cắt lớp vi tính phổi
  • Xét nghiệm tìm nấm và các kháng thể đặc hiệu. 
  • Xét nghiệm nuôi cấy đờm. 

Phòng ngừa bệnh nấm phổi

Nấm gây bệnh có mặt ở khắp nơi trong môi trường sống của chúng ta. Bởi vậy mà cách để có thể chủ động giảm nguy cơ nhiễm nấm phổi chính là tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể bằng việc:

  • Luyện tập thể dục thể thao phù hợp, đều đặn mỗi ngày. 
  • Uống đủ nước.
  • Bổ sung vitamin C, ăn nhiều rau xanh, hoa quả,…
  • Chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất. 
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực sống, sinh hoạt và nơi làm việc, tránh ẩm mốc, bụi bẩn. 

Nấm phổi là bệnh hiếm, khó điều trị và có nhiều loại thuốc điều trị nấm những mỗi loại lại có một số tác dụng phụ nhất định. Bởi vậy người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà cần lựa chọn thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để Bác sĩ chuyên khoa tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.